Chúng ta đã luôn lầm tưởng rằng những món ăn chay đều rất thanh đạm, ít vị bởi không thể sử dụng đa dạng nhiều loại gia vị, nguyên liệu từ động vật. Nhưng thật ra những người đầu bếp sáng chế món chay là những thiên tài, bởi họ tận dụng được tối đa hương vị của mỗi loại nguyên liệu. Chẳng hạn như có thể làm nước mắm chay từ muối, dứa, đậu nành, me, nấm, quả điều, nước dừa, … Điều này nghe thật lạ phải không, vì trong chúng ta luôn nghĩ nước mắm được làm từ cá, nên người ăn chay chỉ có thể sử dụng nước tương. Nhưng thật ra, có một công thức làm nước mắm mà nguyên liệu hoàn toàn phù hợp với người ăn chay, vậy hãy cùng Color Man Food tìm ra cách làm siêu đơn giản nhé!
CÁCH LÀM NƯỚC MẮM CHAY
1. Cách làm nước mắm chay từ dứa
a. Nguyên liệu
Dứa chín: 2 quả
Nước tương xì dầu: 1/4 bát con
Nước lọc: 15 bát
Muối: 1 bát
Đường: 4 bát
Bột nêm chay: 1/4 bát
Chai thủy tinh: 1 chiếc
b. Cách thực hiện
Bạn chọn 2 quả dứa vừa chín tới sau đó gọt sạch vỏ và mắt rồi đem thái miếng vừa phải không nên quá to. Nếu có thời gian thì bạn nên mua quả còn nguyên rồi về cắt, hạn chế mua những loại quả cắt sẵn sẽ không đảm bảo vị ngọt tươi nhé.
Lấy một chiếc nồi lớn, cho tất cả nguyên liệu cùng dứa vào nồi nấu sôi sau đó vặn nhỏ lửa liu riu khoảng 90 phút, cho thêm một chút xì dầu để tạo màu cho bát nước mắm, rồi tắt bếp, mở vung nồi cho nguội rồi vớt dứa ra.
Lấy một chiếc khăn xô của em bé, từ từ lọc nước mắm dứa 2 lần để nước mắm trong và sạch hơn. Sau khi lọc đổ lại vào nồi và đun sôi, để nguội.
Sau khi nước mắm nguội bạn rót nước mắm dứa vào chai thủy tinh đậy kín và dùng dần. Bảo quản nước mắm ở nơi khô mát.
2. Cách làm nước mắm chay từ nước dừa
a. Nguyên liệu
Nước dừa 450ml
Nước tương: 2 muỗng cafe
Đường vàng, muối, gia vị
b. Cách thực hiện
Hòa hỗn hợp nước dừa, nước tương, đường, muối với tỉ lệ vừa ăn.
Đổ hỗn hợp vào nồi đun sôi rồi vặn lửa nhỏ liu riu.
Sau khi hỗn hợp cạn bớt nước, màu vàng của nước mắm, tắt bếp, để nguội là bạn đã có được sản phẩm nước mắm chay làm từ nước dừa.
3. Cách làm nước mắm chay từ nấm
a. Nguyên liệu
Nấm bào ngư tươi: 2kg
Muối
Nước lọc.
b. Cách thực hiện
Nấm bào ngư tươi bạn đem cắt bỏ bớt chân sau đó đem ngâm với nước muối loãng 5 phút sau đó đem rửa sạch lại rồi để ráo nước.
Chuẩn bị một hũ to cho nấm vào ủ kín 2 ngày 2 đêm. Khi đã ủ xong nấm bạn cho 3 lít nước + 5 bát muối đun sôi để nguội rồi đổ vào hũ nấm.
Đậy kín và ủ trong 3 tháng sẽ ăn được. Nước mắm nấm chay có mùi vị đặc trưng của mắm, màu đỏ rượu trong, thơm mùi nấm bào ngư.
4. Cách làm nước mắm từ quả điều
a. Nguyên liệu
Trái điều bỏ hột: 5 kg
Muối hột: 0,5kg
Hũ: 1 chiếc
b. Cách thực hiện
Bạn chọn những trái điều to và đều sau đó đem đi rửa sạch rồi để ráo sau đó bổ đôi lấy phần hạt.
Dùng tay bóp cho điều ra nước rồi cho cả xác điều, nước điều và muối hột vào hũ có nắp đậy ủ kín, phơi nắng trong 30 ngày.
Sau 30 ngày phơi nắng, lấy trái điều vắt thêm một lần nữa, lọc kĩ và bỏ xác điều. Tiếp tục phơi nắng trong 100 ngày để thành mắm.
5. Cách làm nước mắm chay từ me
a. Nguyên liệu
Me chín: 50g tương đương 3 -5 quả
Nước 200ml
Đường trắng: 2 thìa cafe
Nước tương: 2 thìa cafe
Muối, ớt tươi vừa đủ
b. Cách thực hiện
Lấy nước sôi để nguội, dầm me để tạo hỗn hợp sền sệt.
Ớt tươi rửa sạch băm nhuyễn.
Lấy đường trắng, nước tương, muối hòa vào nước me.
Đổ hỗn hợp vào nồi đun nhỏ lửa, khi hỗn hợp sôi, tắt bếp để nguội, bảo quản và sử dụng.
Một món nước chấm ngon kết hợp với bánh xèo giòn rụm thơm phức thì còn gì bằng phải không nào, xem cách làm bánh xèo chay nhé!
6. Cách làm nước mắm chay từ muối
a. Nguyên liệu
Nước sôi để nguội: 250ml
Đường đỏ (đường vàng): 3 muỗng canh lớn
Muối: 2 muỗng cà phê
Chanh tươi: 1/2 quả
Ớt: 1 quả
Nước tương: 2 thìa cafe
b. Cách thực hiện
Lấy một tô lớn, cho nước, muối, đường vào khuấy cho tan
Sau đó cho nước cốt chanh, nước tương vào khuấy đều.
Ớt bỏ hạt, băm nhuyễn cho vào cùng hỗn hợp.
Nếm thử nếu các vị đã hài hòa là món nước chấm của bạn đã thành công.
7. Cách làm nước mắm chay từ đậu nành
a. Nguyên liệu
Đậu nành: 1 kg
Muối
Nước lọc
b. Cách thực hiện
Đậu nành nhặt sạch loại bỏ các hạt bị hỏng sau đó đem rửa sạch và ngâm nước 12h cho nở đều rồi vớt ra để ráo. Tiếp theo cho cho đậu vào nấu chín đến khi tróc vỏ, trút ra rá và giữ lại nước đậu.
Đổ đậu vào nồi đậy vung kín ủ 2 ngày 2 đêm. Ước lượng 7 lít nước đậu + nước lọc cho vào nồi thêm 7 bát muối trắng đun sôi để nguội và đổ vào trong nồi khác.
Hết 2 ngày 2 đêm lấy đậu đã ủ đổ vào nồi nước muối khuấy đều và phơi nắng. Chờ 2 tháng mắm có thể ăn được. Để càng lâu càng ngon.
Mỗi loại nước mắm chay được hướng dẫn ở trên sẽ có một hương vị khác nhau, phù hợp với các món khác nhau và phù hợp với các nguyên liệu mà mỗi người đang có. Đây chẳng phải là cách làm quá đơn giản và tiện lợi phải không nào.
Để các món bánh xèo chay, bánh cuốn, gỏi cuốn chay, .... thêm phần đậm đà thì tại sao lại không bắt tay ngay vào bếp làm món nước chấm chay này chứ.
Chúc bạn thành công và có một bữa ăn thật ngon miệng nhé!
NHỮNG LOẠI GIA VỊ CÓ THỂ DÙNG TRONG CÁC MÓN CHAY
Ăn chay theo đạo Phật không dùng ngũ tân: hành, hẹ, tỏi, nén, và hưng cừ (onion, chive, garlic, leek, shallot). Ấn Độ là một trong những xứ sử dụng nhiều gia vị nhất, nhưng với trí tuệ, Phật đã không cho đệ tử ăn ngũ tân vì những chất này để lại mùi hôi trong cơ thể và hơi thở, gây cảm giác không mấy thoải mái cho người chung quanh. Đồng thời, những món này làm cho tâm dễ bị kích thích; khi tụng kinh, tham thiền, hay niệm Phật, những chất này khi đã ăn vào trong cơ thể dễ khiến tâm không thanh tịnh. Tuy nhiên, Phật biết được ngũ tân cũng có vị thuốc, nên nếu đệ tử Phật phải sử dụng khi có bệnh, vị đệ tử này phải ở cách xa đại chúng trong thời gian điều trị cho tới 7 ngày sau khi hết dùng ngũ tân.
Củ kiệu và bô rô thuộc dòng họ hành, nên thường không được không dùng. Đây là lối chọn lựa riêng cho từng cá nhân, tuy không nấu với nó, nhưng nếu trong thức ăn nấu sẵn có nó, thì có thể không từ chối.
Ngoài năm loại gia vị kể trên, tất cả các gia vị khác đều có thể dùng để nấu món chay được. Sau đây là vài loại gia vị thường dùng.
a. Sả
Sả băm nhuyễn được dùng cho món tàu hủ muối sả ớt, mì căn xào sả ớt, nấm kho sả ớt, hay cà ri chay. Sả băm được khử trước với dầu trước khi nấu các món này, rất thơm ngon.
b. Bột Nghệ
Bột nghệ dùng để ướp tàu hủ muối sả ớt, pha bột bánh xèo, hoặc nấu cà ri, tạo nên màu sắc vàng tươi trông bắt mắt.
c. Bột Ớt Đỏ
Bột ớt đỏ được dùng để tạo màu cho các món chay.
d. Hột ngò rí
Dùng hột ngò rí để nấu cà ri, một muỗng canh hột rửa sạch, rang thơm, xay nhuyễn, khử trước với dầu trước khi nấu. Hột này có hương thơm dễ chịu không quá nồng, đây là loại gia vị thường được thích nhất.
e. Gừng khử dầu
Gừng có tính ấm, rau củ thường có tính hàn, nên nấu món chay hay có gừng. Người ăn chay thường dùng gừng băm nhuyễn thay cho tỏi. Gừng mua về, rửa sạch, không cần gọt vỏ, băm nhuyễn, khử vàng với dầu ăn, cho vào hũ để trong tủ lạnh, khi cần là có ngay, rất tiện.
g. Tiêu
Tiêu rất phổ biến trong món chay Việt Nam. Tiêu đen hay tiêu sọ được dùng để làm chả chay. Tiêu xay dùng ướp tàu hủ, mì căn, nấm. Tiêu xay cũng dùng để rắc lên trên các món súp, xào, kho chay. Thường thì họ hay dùng các loại máy xay tiêu bằng tay, hay chạy bằng điện cho dễ dùng, dùng bao nhiêu xay bấy nhiêu, tiêu mới xay thơm ngon hơn tiêu xay để sẵn.
h. Đại hồi
Đại hồi được dùng để nấu phở chay. Ngoài ra còn dùng để khử với dầu trước khi nấu nhằm tạo mùi thơm.
i. Tiểu hồi
Tiểu hồi có vị như cam thảo, cũng được dùng để nấu phở chay. Khoảng 1/4 muỗng cà-phê tiểu hồi cho vào bột làm bánh ngọt sẽ có hương vị rất thơm.
j. Hột thì là
Hột thì là thường được thay thế cho tiểu hồi, cũng có vị như cam thảo nhưng tiểu hồi có vị ngọt hơn.
k. Quế chi
Quế chi dùng để nấu phở chay và các món nước uống nóng như trà, sô-cô-la.
l. Đinh hương
Đinh hương dùng để nấu phở chay, rất thơm. Người Mỹ hay dùng bột đinh hương để làm bánh, nhưng ở Việt Nam thường dùng đinh hương để nấu phở chay.
Để nấu một nồi phở chay, cần 1 nhánh gừng, 20 hạt tiêu, 10 bông đại hồi, 1 muỗng cà phê tiểu hồi, 1 cây quế chi nhỏ, 3 cây đinh hương. Gừng được rửa sạch, nướng vàng, thả vào nồi hầm rau củ. Các gia vị còn lại cũng được rửa sạch nướng thơm, cho vào túi vải rút, thả vào nồi hầm rau củ.
m. Ngũ vị hương
Bột ngũ vị hương là kết hợp của gừng, tiêu, tiểu hồi, thì là, quế chi xay thật nhuyễn. Bột ngũ vị hương dùng để ướp tàu hủ, mì căn, nấm để tạo vị thơm. DS thường dùng ngũ vị hương cho các món nướng như chạo tàu hủ chay, mì căn nướng, món quay chay... Tuy nhiên, chỉ cần 1/4 đến 1/2 muỗng cà-phê bột ngũ vị hương đểu nấu cho khoảng 10 khẩu phần, dùng nhiều hơn sẽ có mùi rất nồng.
Cũng như món mặn, gia vị rất cần để chế biến các món chay ngon. Nhiều bếp trưởng chay quả quyết rằng thực đơn mặn có món gì, họ sẽ tạo ra thực đơn chay với chừng món ấy.
Chúc các bạn chế biến được nhiều món chay ngon với các loại gia vị trên.
MUA NƯỚC TƯƠNG NGON ĐỂ PHA NƯỚC MẮM CHAY Ở ĐÂU?
Bạn có thể thấy, nước tương như một phần nguyên liệu chính để làm nước mắm chay. Thế nên bạn luôn phải lựa chọn những loại nước tương đậm đà, hương vị 100% đậu nành để mang lại một bát nước mắm chay ngon đúng vị.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước tương ngon để pha nước mắm chay ngon, bạn cần lựa chọn những loại nước tương đậm đà, có thương hiệu, nhãn mác rõ ràng để đảm bảo chất lượng, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng. Bạn có thể mua những loại nước tương độc quyền thương hiệu như nước tương Color Man, dòng nuớc tương này rất đa dạng sản phẩm với nhiều độ đạm khác nhau, giúp bạn dễ dàng lựa chọn. Bạn có thể mua ở bất kì kênh phân phối nào, khách hàng có thể chọn các cách thức đơn giản sau:
- Gọi điện qua hotline 1800 2345 39
- Nhắn tin trực tiếp qua Fanpage Color Man Food
- Truy cập qua Website ngay tại đây
Color Man Foodmart
🏠 Chi nhánh 1: 53 Nguyễn Hữu Cầu, P. Tân Định, Q.1, TP.HCM.
🏠 Chi nhánh 2: 87 Bùi Hữu Nghĩa, P.1, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
🏠 Chi nhánh 3: 243 Tân Hòa Đông, P.14, Q.6, TP.HCM.
🏠 Chi nhánh 4: 76 - 78 Lâm Văn Bền, P. Tân Kiểng. Q.7, TP.HCM.
🏠 Chi nhánh 5: 742 Lê Đức Thọ, P.15, Q. Gò Vấp, TP.HCM.
🏠 Chi nhánh 6: 177 Phan Chu Trinh, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
🏠 Chi nhánh 7: 50 Lạc Trung, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Color Man Coffee&Choco - Color Man Food
🏠 Địa chỉ: 177 Phan Chu Trinh, P.13, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
Viết bình luận